logo
title

Sơn La: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch

Cập nhật ngày: 11/10/2022
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cụ thể hóa mục tiêu, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/01/2021 về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau hơn 1 năm thực hiện Kết luận đã thu được nhiều kết quả tích cực.
 
Khu du lịch rừng thông bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu điểm đến của nhiều du khách
 
HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026 với 4 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh Sơn La đã trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát huy tiềm năng, lợi thế công trình thủy điện Sơn La được sử dụng vùng đất, vùng nước, khoảng không để phát triển du lịch và thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Sơn La... Đây là những động lực quan trọng để thúc đẩy du lịch Sơn La phát triển.
 
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá, công nhận 5 khu, điểm du lịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện theo Luật Du lịch, gồm: Khu du lịch rừng thông bản Áng; điểm du lịch Thác Dải Yếm, huyện Mộc Châu; điểm du lịch Pha Đin Top, huyện Thuận Châu; điểm du lịch Rừng Vàng, thành phố Sơn La và điểm du lịch Đền Hang Miếng, huyện Vân Hồ. Xây dựng 7 đề án về phát triển du lịch tỉnh Sơn La, đó là: Phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đủ điều kiện được công nhận vào năm 2025. Định hướng phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành Khu du lịch quốc gia. Phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai, huyện Bắc Yên trở thành Khu du lịch cấp tỉnh. Phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Sơn La đến 2030. Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Bảo tàng gắn với phát triển du lịch...
 
Tổ chức đánh giá chất lượng cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 38 khách sạn từ 1-5 sao, còn lại là nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác. Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã ký kết chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch, quy chế hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh tây bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
 
Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành đã chủ trì phố hợp với Tổng cục Du lịch, các công ty lữ hành và các huyện, thành phố tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng về tài nguyên du lịch, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, từ đó định hướng cho các địa phương xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, xây dựng sản phẩm mới và làm mới sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch trong nước và nước ngoài đến với Sơn La. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc: xây dựng đội văn nghệ dân gian biểu diễn hát dân ca, múa dân gian, nhạc cụ dân tộc.
 
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, làm mới sản phẩm: Điển hình như, huyện Mộc Châu phát triển bản du lịch cộng đồng Tà Số, bản Dọi; khu phố đi bộ - chợ đêm. Huyện Mai Sơn đưa khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi vào hoạt động gắn với phát triển du lịch. Huyện Mường La xây dựng sản phẩm “Du lịch thủy điện Sơn La - Công trình lớn nhất Đông Nam Á”, phát triển du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến. Huyện Quỳnh Nhai phát triển du lịch sinh thái lòng hồ; du lịch trải nghiệm của HTX du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, HTX du lịch cộng đồng bản Bon; Khu du lịch văn hóa tâm linh Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han.
 
Năm 2022, Sơn La đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch 3 sản phẩm du lịch mới độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp: Cầu kính Bạch Long, Làng Bắc Âu, khu phố đi bộ - chợ đêm thuộc khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đây là sản phẩm du lịch có sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Sơn La. 9 tháng qua, lượng khách du lịch đến Sơn La đạt hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu từ du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Mộc Châu trở thành điểm đến hút khách nhất của tỉnh khi chiếm gần 50% lượng khách. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở Mộc Châu còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu cho biết: Hệ thống hạ tầng du lịch thiếu đồng bộ, giao thông đấu nối từ quốc lộ, tỉnh lộ, nội huyện vào khu, điểm du lịch còn nhiều khó khăn bất cập. Khách du lịch tăng, nhưng số lượng khách lưu trú dài ngày, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của địa phương chưa nhiều. Cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch qui mô nhỏ, chưa đa dạng về loại hình, tính chuyên nghiệp chưa cao; tại các khu, điểm du lịch, dịch vụ giải trí, văn hóa chưa phát triển; thiếu các dịch vụ mua sắm, điểm vui chơi để thu hút khách du lịch.
 
Những khó khăn trong phát triển du lịch ở Mộc Châu cũng là khó khăn chung của các địa phương trong tỉnh, do nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa cao; quy hoạch và quản lý quy hoạch còn có những hạn chế nhất định, dẫn đến việc có những quy hoạch mới được lập đã phải điều chỉnh; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn chưa đồng bộ; nguồn nhân lực về du lịch còn thiếu và yếu.
 
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Kết luận số 94 của Tỉnh ủy, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn. Xây dựng quy hoạch và tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch trong phát triển du lịch của tỉnh, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tiếp tục xây dựng và hoàn thành các dự án, đề án phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động du lịch; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, khác biệt, chuyên biệt, xây dựng các khu, điểm du lịch, bản du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Chú trọng các hoạt động xúc tiến, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch Sơn La, phát triển thị trường du lịch trong nước và quốc tế để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Việt Anh
Báo Sơn La - baosonla.org.vn