Lâm Đồng: Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Cập nhật ngày: 10/07/2025
Phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trong Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông là hướng đi cần thiết nhằm bảo tồn di sản địa chất, văn hóa, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
 
Dệt thổ cẩm của dân tộc M’nông thu hút nhiều du khách khám phá, thử nghiệm
 
CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760 km2. Nơi đây có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động, các miệng núi lửa, thác nước…
 
Không chỉ nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, đa dạng sinh học, vùng đất này còn lưu giữ nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. CVĐCTC UNESCO Đắk Nông được xem là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
 
Ngoài bề dày văn hóa, lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đây còn là nơi lưu giữ văn hóa các dân tộc thông qua các tín ngưỡng dân gian, nghi lễ, lễ hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật diễn xướng, các trò chơi dân gian…
 
Để phát triển DLCĐ gắn liền với bảo tồn di sản địa chất và văn hóa tại CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông (cũ) đã chọn 9 thôn, buôn, bon để thí điểm làm mô hình du lịch cộng đồng. Đây là những thôn, bon mà đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo, được xem là điểm nhấn thu hút du khách khi muốn trải nghiệm cùng cộng đồng.
 
Các địa phương trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã triển khai xây dựng, hình thành được 9 mô hình DLCĐ; 31 đội văn nghệ truyền thống có chương trình phục vụ du lịch; lựa chọn, phục dựng và duy trì tổ chức định kỳ hàng năm 11 lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc đại diện tại địa phương làm sản phẩm du lịch.
 
Các thôn, buôn, bon được hướng dẫn thành lập ban quản lý, ban tự quản để có tư cách pháp nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo quy định. Người dân còn được tham gia tập huấn về cách thức tổ chức hoạt động DLCĐ; quy trình tổ chức, đón tiếp hoạt động du lịch; xây dựng quy chế hoạt động; nâng cao chuyên môn các nhóm dịch vụ...
 
Tổ DLCĐ Jôk Nâm Nung, xã Nâm Nung (Lâm Đồng) được thành lập từ năm 2022. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc M’nông thuộc vùng lõi CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Với hình thức DLCĐ, tất cả thành viên đều được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng như: tổ cồng chiêng, tổ dệt thổ cẩm, tổ ẩm thực, tổ phục vụ…
 
Du khách đến với Jôk Nâm Nung không chỉ được trải nghiệm ở nhà sàn, thưởng thức hương vị ẩm thực truyền thống của đồng bào M’nông mà còn được hòa cùng nhịp chiêng, điệu múa, thưởng thức men cay rượu cần, trải nghiệm dệt thổ cẩm, đan lát và thưởng ngoạn vẻ đẹp của những con thác trong vùng.
 
Những nét văn hóa tưởng chừng quen thuộc với bà con lại trở thành điều mới lạ, cuốn hút du khách gần xa. Bằng cách mời du khách tham gia vào đời sống thường ngày của cộng đồng, DLCĐ không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường và văn hóa địa phương.
 
Xác định việc phát triển DLCĐ mang đến “lợi ích kép”, vừa tạo sinh kế, vừa lưu giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đến nay, các địa phương trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã triển khai xây dựng, hình thành được 9 mô hình DLCĐ; 31 đội văn nghệ truyền thống có chương trình phục vụ du lịch; lựa chọn, phục dựng và duy trì tổ chức định kỳ hàng năm 11 lễ hội tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc đại diện tại địa phương làm sản phẩm du lịch.
 
Để đánh thức tiềm năng DLCĐ gắn với các giá trị đặc trưng của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, thời gian tới, các địa phương trong vùng tiếp tục chủ động hơn nữa trong việc lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển DLCĐ với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ du lịch.
 
Các cấp, ngành tiếp tục đồng hành và hướng dẫn người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ, nhằm tạo ra sinh kế từ hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với cộng đồng các dân tộc sinh sống trong khu vực các điểm đến đã được quy hoạch trên 3 tuyến của công viên địa chất.
 
Hoàng Hoài
Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn