logo
title

Xây dựng thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc

Cập nhật ngày: 19/04/2023
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Để thực hiện mục tiêu đó, trong lĩnh vực du lịch, đòi hỏi tỉnh phải đổi mới, tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch, dựa trên sự độc đáo, khác biệt, xây dựng thương hiệu theo hướng tập trung vào các điểm đến, sản phẩm có thế mạnh và thị trường khách du lịch trọng điểm.
 
Phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính mùa vụ, khó khăn trong công tác xây dựng thương hiệu du lịch. Ảnh Nguyễn Lượng
 
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu du lịch, quyết định sức hấp dẫn cũng như khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch, giúp người dân, du khách biết tới điểm đến, nhận diện hình ảnh du lịch, nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư du lịch, đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, từ năm 2012, tỉnh đã tổ chức cuộc thi sáng tác logo du lịch.
 
Kết quả đã lựa chọn hình ảnh dãy núi Tam Đảo được cách điệu thành chữ VP (Vĩnh Phúc), khởi nguồn và tụ về một điểm (hướng về nguồn cội) và đến nay, hình ảnh này được chọn làm logo của ngành Du lịch tỉnh.
 
Song, công tác xây dựng thương hiệu vẫn chưa đầy đủ, mới chỉ dừng lại ở biểu tượng đặc trưng của ngành Du lịch; việc truyền thông cho thương hiệu du lịch cũng chưa được triển khai bài bản; việc định hướng, hướng dẫn người dân, DN trong tỉnh sử dụng đồng bộ và có hiệu quả biểu trưng du lịch vẫn còn bỏ ngỏ; tần suất xuất hiện biểu trưng còn rất ít, nhiều du khách không biết đến thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc.
 
Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có hệ thống tài nguyên du lịch độc đáo, đa dạng và phong phú, trong đó phải nói đến Khu Du lịch Tam Đảo, Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, Vườn Quốc gia Tam Đảo, hồ Đại Lải...; đồng thời, là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Flamingo Đại Lải Resort, FLC Vĩnh Phúc Resort, West Lake…, du lịch golf lý tưởng ở khu vực miền Bắc với phong cách, kiến trúc và hệ thống cảnh quan tự nhiên đạt tiêu chuẩn quốc tế.
 
Ngoài ra, với một hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng lâu đời như: Chùa Tùng Vân (Thổ Tang -Vĩnh Tường), Tháp Bình Sơn (Tam Sơn - Sông Lô), Cụm đình Tam Canh (Hương Canh - Bình Xuyên) cùng hàng loạt lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm cũng là những điểm đến hấp dẫn với những giá trị và vị trí được công nhận trên bản đồ du lịch Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý nằm kề với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước và nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
 
Trong Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, đây là lợi thế quan trọng để phát triển du lịch nói chung và tạo thuận lợi cho việc tập trung nguồn lực phát triển thương hiệu du lịch tỉnh nói riêng.
 
Tuy nhiên, hiện, tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu du lịch khi tiến độ triển khai một số dự án du lịch còn chậm; du lịch vẫn còn mang tính mùa vụ, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực cũng như thu hút được nhiều đối tượng khách trong nước cũng như quốc tế.
 
Hệ thống mẫu quà lưu niệm và sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch của tỉnh còn đơn điệu, mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, chưa khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch sinh thái, di sản, văn hóa, ẩm thực đặc trưng... của tỉnh.
 
Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thực sự được nhiều DN chú trọng. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, các DN khó khăn trong tuyển dụng, đào tạo và xây dựng đội ngũ có tay nghề cao, gắn bó với nghề. Hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương, các ngành trong tỉnh, liên kết với các địa phương khác,... còn nhiều hạn chế.
 
Cần khắc phục những tồn tại, tập trung xây dựng, phát triển bộ nhận diện thương hiệu đồng nhất; tăng cường liên kết các ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh trong công tác truyền thông thương hiệu du lịch; thực hiện liên kết các cụm du lịch thành các dòng sản phẩm mang thương hiệu mạnh, liên kết với các hiệp hội du lịch và hiệp hội ngành nghề liên quan để thu hút cộng đồng DN tham gia vào việc việc xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, ấn tượng và nhất quán.
 
Qua đó, giúp khách du lịch khi nói đến du lịch Vĩnh Phúc là họ nghĩ ngay đến một thương hiệu cụ thể, thị trường ghi nhận dần những giá trị cốt lõi thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc gắn với các điểm đến du lịch tiêu biểu như Khu Du lịch Tam Đảo; Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên; các khu resort, sân golf đẹp nhất miền Bắc...
 
Lưu Nhung
Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn