logo
title

Hà Nội: Đánh thức tiềm năng du lịch, đưa huyện Mỹ Đức phát triển bứt phá

Cập nhật ngày: 25/04/2022
Mấu chốt để đánh thức tiềm năng, khơi thông nguồn lực đưa Mỹ Đức (Hà Nội) phát triển bứt lên là phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, quy hoạch chi tiết các điểm phát triển du lịch, khai thác tiềm năng to lớn của Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai…
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Nam
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nên chỉ đạo tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với huyện Huyện ủy Mỹ Đức chiều 19/4.
 
Đề nghị lập quy hoạch chi tiết Quần thể di tích Hương Sơn
 
Theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng, về phát triển kinh tế-xã hội trong quý I/2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 7,6%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 218% kế hoạch. Riêng quý I/2022, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện đạt 66,5 tỷ đồng (bằng 36% dự toán TP giao); thu ngân sách huyện, xã ước thực hiện đạt trên 1.108 tỷ đồng.
 
Đối với việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương), ngày 28/3/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Tờ trình gửi Bộ VHTTDL thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia và danh làm thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) huyện Mỹ Đức.
 
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực theo hồ sơ di tích với quy mô quy hoạch hơn 4.900 ha. Bao gồm khu vực bảo vệ I rộng trên 2.750 ha, khu vực bảo vệ II rộng trên 1.190 ha theo Hồ sơ Khoanh vùng di tích và khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích khoảng trên 980ha.
 
Trong đó, khu vực bảo vệ I được chia thành 3 khu vực có định hướng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khác nhau. Khu vực bảo vệ II bao gồm khu vực vùng đệm các xã Hùng Tiến, An Tiến, An Phú và theo hồ sơ khoanh vùng di tích. Đối với các phân khu, quần thể Hương Sơn (chùa Hương) dự kiến chia thành 11 phân khu.
 
Để làm tốt công quy hoạch, huyện Mỹ Đức đề nghị Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, các sở ngành cho phép triển khai lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng nằm trong quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn song song với việc lập đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối khu di tích thắng cảnh Hương Sơn với các khu du lịch của tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình hình thành chuỗi du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng để tiến tới đề nghị UNESCO công nhận Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) là di sản thiên nhiên thế giới.
 
Tại buổi làm việc, huyện Mỹ Đức nêu 6 nhóm kiến nghị lớn với Thành phố trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chuyển hình thức đầu tư dự án tuyến đường trục phát phát triển kinh tế Miếu Môn - Hương Sơn từ BT sang đầu tư công để kết nối chuỗi du lịch Hương Sơn - Quan Sơn - Tuy Lai đồng bộ với tuyến đường Bái Đính - Ba Sao - Mỹ Đình. Đề xuất cho phép kêu gọi nhà đầu tư đủ năng lực nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chi tiết, ý tưởng dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Quần thể khu du lịch Hương Sơn - An Phú - Quan Sơn.
 
Huyện cũng kiến nghị Thành phố xem xét thu hồi dự án và kêu gọi nhà đầu tư có đủ năng lực triển khai 2 dự án phát triển du lịch quy mô lớn đã được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay chưa triển khai như: Dự án sinh thái tổng hợp hồ Quan Sơn với diện tích 1.465ha và Dự án sinh thái nghỉ dưỡng hồ Tuy Lai với diện tích trên 1.300 ha.
 
Thay đổi trong tư duy, nhận thức để phát triển
 
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, Mỹ Đức là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, có tiềm năng cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích phong phú; được quy hoạch là vành đai xanh của thành phố, trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Tuy nhiên, đến nay, huyện Mỹ Đức còn rất khó khăn, mức độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn mới đạt 53,9 triệu đồng/người/năm, là mức rất thấp.
 
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, mấu chốt để đánh thức tiềm năng, khơi thông nguồn lực đưa Mỹ Đức phát triển bứt lên là phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông; đầu tư, khai thác tiềm năng to lớn của Di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai. Nếu để khó khăn kéo dài thì tiềm năng cảnh quan, thiên nhiên dù giá trị đến mấy cũng sẽ bị mai một. Vì vậy, lãnh đạo huyện phải có tư duy đột phá, từ góc nhìn tổng thể để tính toán xây dựng kế hoạch phát triển.
 
Huyện Mỹ Đức phải xác định rõ định hướng là phát triển bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, di tích tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định sự phát triển như nội dung trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, vừa rồi là Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
 
Bí thư Thành ủy lưu ý huyện rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý sử dụng đất, quy hoạch. Đồng thời, huyện cần chủ động nhìn nhận hạn chế, có giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị năm 2022 và các năm tiếp theo.
 
Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo huyện và các sở, ngành thành phố bám sát Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khẩn trương lập các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chi tiết các điểm phát triển du lịch nêu trên bảo đảm đồng bộ, hiệu quả gắn với bảo vệ vùng xanh, phát triển bền vững.
 
Gia Huy
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ - thanglong.chinhphu.vn