logo
title

Lào Cai: Tà Chải giữ gìn nhà sàn gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 21/04/2022
Về xã Tà Chải (Bắc Hà, Lào Cai), du khách ấn tượng bởi phong cảnh núi non thanh bình. Thấp thoáng bên vườn mận là những nếp nhà sàn đơn sơ luôn rộn rã tiếng cười.
Ngôi nhà sàn của gia đình bà Vàng Thị Dín ở thôn Na Lo được dựng theo đúng kiến trúc truyền thống của dân tộc Tày. Tựa lưng vào núi, cửa hướng ra cánh đồng, ngôi nhà 3 gian, 2 chái càng thơ mộng hơn khi trước cửa gia chủ trồng nhiều loại hoa. Sân vườn, lối đi luôn được quét dọn sạch, ai đến đây cũng muốn ở lại để thưởng thức không gian yên bình, thôn quê dân dã.
 
 
Nhiều khách du lịch đến Tà Chải trải nghiệm, khám phá
 
Giới thiệu với chúng tôi căn nhà vừa được sửa lại, ông Vàng A Văn ở thôn Na Lo tâm sự: Nắm được nhu cầu của du khách là muốn trải nghiệm không gian mang đậm bản sắc dân tộc nên khi chỉnh trang nhà để làm du lịch, chúng tôi hoàn toàn sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường và mang nét văn hóa truyền thống như gỗ, tre, nứa, lá cọ, vải thổ cẩm... Nhờ đó, tuy mới đưa vào hoạt động nhưng cơ sở homestay của gia đình đã đón nhiều đoàn khách đến lưu trú. Bà Vàng Thị Dín cho biết: Ngôi nhà này từ thời cha ông để lại được làm đúng chuẩn kiến trúc của người Tày. Năm 2018, gia đình tôi được UBND xã lựa chọn là cơ sở phát triển du lịch cộng đồng. Để làm homestay, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng chỉnh trang ngôi nhà, mua thêm vật dụng như chăn màn, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, ngăn chia các phòng thành khu khép kín nhưng không phá vỡ kiến trúc 3 gian, 2 chái của ngôi nhà. Hiện nay, cơ sở có thể cho hơn 20 khách nghỉ lại, giá trung bình khoảng 100 - 300 nghìn đồng/người/ngày.
 
Ngôi nhà sàn của người Tày có đặc trưng là rộng rãi, chia thành nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Nhà sàn ở xã Tà Chải đều sử dụng loại gỗ có độ bền cao, chống chọi được điều kiện bất thường của thời tiết. Phía dưới nhà sàn thường có một cái máng đựng nước, khi khách đến chơi nhà có thể rửa tay, chân. Cầu thang lên nhà thường là 9 bậc. Người Tày quan niệm mỗi bậc thang tượng trưng cho một vía của người phụ nữ đang sống trong ngôi nhà, nếu làm bậc cầu thang là số lẻ thì mọi người trong nhà đều bình yên và may mắn.
 
Với lối kiến trúc nhà sàn cổ độc đáo, cộng với việc người dân vẫn duy trì bản sắc văn hóa dân tộc từ trang phục, nếp sinh hoạt nên xã Tà Chải từ lâu đã hấp dẫn du khách đến khám phá, trải nghiệm. Đặc biệt, những năm gần đây, khách du lịch nước ngoài tìm đến Tà Chải ngày càng nhiều. Thấy được thế mạnh đặc trưng của địa phương, xã đã vận động người dân gìn giữ nét đẹp văn hóa, trong đó có việc lưu giữ và bảo tồn nếp nhà sàn truyền thống để tạo sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Nhờ chính sách đúng nên du lịch cộng đồng ở xã Tà Chải đang có những bước phát triển mạnh. Hiện xã có 25 cơ sở homestay, mỗi năm thu hút hơn 3.000 lượt khách lưu trú. Doanh thu trung bình đạt trên 100 triệu đồng/hộ.
 
Ông Vàng Đình Vi, Chủ tịch UBND xã Tà Chải cho biết: Chúng tôi xác định làm du lịch phải bài bản, chuyên nghiệp và có trọng tâm. Chính vì vậy, xã tập trung nguồn lực xây dựng điểm thôn Na Lo trở thành làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu để các thôn khác tham quan, học tập. Các homestay đều là nhà sàn truyền thống của người Tày, bao quanh là những vườn mận, lê. Đường trục thôn, ngõ xóm thường xuyên được dọn vệ sinh. Các gia đình đều trồng hoa, cây cảnh, cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng hình ảnh thôn xanh - sạch - đẹp, người dân thân thiện.
 
Trong nhịp sống hối hả hiện nay, được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt trong những nếp nhà sàn truyền thống bình yên của người Tày tại Tà Chải thật sự là những giây phút thư giãn. Tin rằng trong thời gian tới, khi thị trường du lịch hoàn toàn phục hồi, Tà Chải sẽ là điểm đến ngày càng hấp dẫn./.
 
Kim Thoa
Báo Lào Cai - baolaocai.vn