logo
title

Bạc Liêu: Khai thác tiềm năng du lịch từ di tích văn hóa Khmer

Cập nhật ngày: 05/04/2022
Khai thác giá trị các di tích lịch sử - văn hóa nói chung, di tích của đồng bào Khmer nói riêng để làm du lịch (DL) được tỉnh Bạc Liêu xác định là một trong những mục tiêu chủ lực để phát huy tối đa bản sắc văn hóa Bạc Liêu. Tuy nhiên trong thời gian qua, sự kết hợp giữa DL và di tích văn hóa Khmer chưa được phát huy đúng mức để làm phong phú DL tỉnh Bạc Liêu, cũng như tạo ra những sản phẩm DL mang tính đặc thù của đồng bào dân tộc.
 
Các doanh nghiệp lữ hành TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL khảo sát kiến trúc chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu)
 
Mới đây, các doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có chuyến khảo sát các sản phẩm DL tiêu biểu của Bạc Liêu. Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là một trong những sản phẩm gây ấn tượng mạnh với các doanh nghiệp nhờ vẻ lộng lẫy, lối kiến trúc độc đáo. Không dừng lại ở vẻ đẹp của những công trình giàu tính nghệ thuật, chùa Xiêm Cán còn hút hồn các doanh nghiệp với phần trình diễn nhạc ngũ âm, múa Áp-sa-ra...
 
Được biết, ngôi chùa hơn trăm tuổi này được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 2001. Tuy nhiên, Xiêm Cán vẫn chỉ là điểm tham quan chứ chưa trở thành sản phẩm DL khi chưa được khai thác, đầu tư một cách bài bản. Cụ thể là không có thuyết minh viên, thiếu các dịch vụ mua bán quà lưu niệm, ẩm thực hay các hoạt động văn hóa - nghệ thuật còn khá đơn điệu.
 
Bà Cao Phẩm Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và DL Việt Jet, cho rằng: “Nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL có chùa Khmer nhưng không có nhiều chùa được khai thác để phục vụ phát triển DL. Vì vậy, Bạc Liêu nên hỗ trợ, định hướng giúp chùa xây dựng thêm các loại hình dịch vụ, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc trưng của đồng bào Khmer để chùa Xiêm Cán trở thành một sản phẩm DL mang sắc màu riêng biệt của tỉnh. Chúng tôi sẵn sàng đưa khách về trong thời gian tới nếu chùa Xiêm Cán được đầu tư hoàn thiện hơn”.
 
Bên cạnh đó, nhiều di tích văn hóa của đồng bào Khmer, phần lớn là các ngôi chùa cũng ít được quan tâm khai thác, thậm chí chính quyền địa phương một số nơi còn bỏ ngỏ đối với tài nguyên DL này. Tuy nhiên, trong nỗ lực phục hồi lĩnh vực DL trong điều kiện bình thường mới, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút du khách bằng những sản phẩm mới và hấp dẫn, trong đó có các di tích văn hóa Khmer.
 
Gần đây, Sở VHTTTTDL và các địa phương trong tỉnh đã tiến hành khảo sát, kiểm kê các công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích để đề xuất UBND tỉnh đưa vào Danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2022 - 2025. Kết quả, 7 ngôi chùa Khmer gồm: chùa Dì Quán, chùa Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), chùa Đìa Muồng, chùa Cos Đôn (huyện Phước Long), chùa Hòa Bình cũ (huyện Hòa Bình), chùa Cái Giá chót, chùa Đầu (huyện Vĩnh Lợi)… được phát hiện có dấu hiệu của di tích.
 
Sau khi hoàn thành công tác kiểm kê, Sở VHTTTTDL cùng các địa phương sẽ có kế hoạch đi khảo sát đánh giá thực trạng, lập phương án tu bổ đối với những ngôi chùa Khmer bị xuống cấp. Không chỉ bảo vệ kịp thời giá trị văn hóa và nét đẹp kiến trúc của các công trình, việc làm này còn để phục vụ khai thác tiềm năng DL của các chùa Khmer.
 
Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu (Sở VHTTTTDL), công tác bảo tồn di tích nói chung, các di tích văn hóa của đồng bào Khmer cần đi liền với phát triển DL. Một mặt giúp người dân địa phương phát triển sinh kế, mặt khác sẽ góp phần đưa bản sắc văn hóa Khmer đến với du khách trên mọi miền Tổ quốc.
 
Mang nhiều giá trị độc đáo, các di tích văn hóa của đồng bào Khmer cần được đầu tư, chăm chút nhiều hơn để xứng tầm là sản phẩm DL. Điều này đòi hỏi sự chung tay, góp sức từ nhiều phía để DL trải nghiệm, khám phá văn hóa Khmer sớm trở thành sản phẩm thế mạnh của Bạc Liêu.
 
Hữu Thọ
Báo Bạc Liêu