logo
title

Vĩnh Phúc: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch

Cập nhật ngày: 20/04/2022
Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) là thành phần quan trọng góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các DTTS, hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Các loại hình văn hóa này còn có tiềm năng phát triển gắn với du lịch với vai trò là sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
 
Đồng bào dân tộc Sán Dìu, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo biểu diễn làn điệu Soọng cô. Ảnh: Trà Hương
 
Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của DTTS là các loại hình diễn xướng dân gian, được đồng bào DTTS lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tại Vĩnh Phúc, các làn điệu như Soọng cô (dân tộc Sán Dìu), Sình ca (dân tộc Cao Lan), Páo dung (dân tộc Dao)… là những loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc tiêu biểu cho văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
 
Các làn điệu này đã và đang được các cấp, ngành chức năng cùng nhân dân tích cực giữ gìn, khôi phục, khai thác và phát huy các giá trị với nhiều chính sách, giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả như kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc; tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu; phát huy hiệu quả các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào DTTS trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ dân ca; mở các các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ…
 
Trong đó, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc gắn với phát triển du lịch là hướng đi mới, dù chưa có nhiều chương trình, hoạt động nhưng cũng là xu hướng hứa hẹn nhiều tiềm năng.
 
Là huyện sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Tam Đảo đã có nhiều hoạt động đưa làn điệu Soọng cô - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đến với du khách, gắn việc bảo tồn, phát huy làn điệu đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Dìu với việc phát triển du lịch.
 
Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đảo Lưu Văn Hải cho biết: “Để làn điệu Soọng cô được lưu giữ và trao truyền, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có việc gắn công tác bảo tồn làn điệu dân ca này với phát triển du lịch.
 
Nhiều năm nay, huyện Tam Đảo đã duy trì việc tổ chức Liên hoan làn điệu dân ca Soọng cô, đưa chương trình này vào Lễ hội Tây Thiên - một trong những lễ hội lớn, thu hút nhiều du khách tham quan, chiêm bái.
 
Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích các địa phương, các câu lạc bộ Soọng cô trên địa bàn lồng ghép hoạt động này vào các lễ hội, các chương trình biểu diễn văn nghệ ở địa phương để thu hút du khách.
 
Với mục tiêu xây dựng Soọng cô trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện Tam Đảo sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, mang làn điệu Soọng cô đến với du khách tại thị trấn Tam Đảo thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật”.
 
Với quan điểm khai thác tiềm năng du lịch vùng đồng bào DTTS gắn với việc giữ gìn và phát huy các thành tố văn hóa của người DTTS, chính quyền, nhân dân xã Quang Yên, huyện Sông Lô luôn chú trọng phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, phong tục truyền thống của đồng bào DTTS trong các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương, trong đó có làn điệu Sình ca - làn điệu cổ của người Cao Lan.
 
Chủ tịch UBND xã Quang Yên Nguyễn Tiến Toàn cho biết: “Xã đã có nhiều hoạt động để bảo tồn, phát huy làn điệu Sình ca gắn với phát triển du lịch như khuyến khích cộng đồng người dân tộc Cao Lan duy trì hoạt động câu lạc bộ Sình ca, tổ chức hát Sình ca, múa dân gian; phát huy tối đa hiệu quả nhà sinh hoạt cộng đồng trong việc tổ chức các chương trình văn nghệ dân gian…
 
Những năm gần đây, làn điệu Sình ca luôn là tiết mục mở màn trong lễ hội Xuống đồng - nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan, được du khách đón nhận với vai trò của một sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.
 
Bên cạnh đó, xã Quang Yên cũng đã đưa Sình ca vào hình thức du lịch cộng đồng thông qua việc khuyến khích các hộ đầu tư, xây dựng homestay để đón du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian, truyền thống của người Cao Lan, trong đó có làn điệu Sình ca”.
 
Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch được triển khai bài bản, hiệu quả hơn trong thời gian tới, mới đây, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030”.
 
Sở VHTTDL Vĩnh Phúc đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Với mục tiêu giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho người dân; xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi…, đề án hướng tới góp phần bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.
 
Thùy Linh
Báo Vĩnh Phúc - baovinhphuc.com.vn