logo
title

Du lịch Bạc Liêu: Cần sự tiếp sức trong hoàn cảnh mới

Cập nhật ngày: 30/06/2021
Gần 20 ngày thực hiện lệnh tạm dừng hoạt động du lịch do tỉnh xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng, du lịch Bạc Liêu nói chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Dẫu vậy, trong khoảng thời gian tạm nghỉ, các khu, điểm du lịch vẫn nêu cao tinh thần phòng, chống dịch, cũng như có kế hoạch chuẩn bị hoạt động trở lại khi dịch bệnh được đẩy lùi.
 
Thuyết minh viên Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu vệ sinh phòng trưng bày trong những ngày đóng cửa. Ảnh: H.T
 
Luôn trong tâm thế sẵn sàng
 
Những ngày dừng đón khách nhưng cán bộ, nhân viên của Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu vẫn làm việc bình thường. Mọi người dành thời gian vệ sinh khuôn viên, chăm sóc cây xanh, tập luyện bài thuyết minh và bảo dưỡng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu tại phòng trưng bày. Ai cũng nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình và mong dịch bệnh sớm qua đi để du lịch tỉnh nhà nói chung, Khu lưu niệm nói riêng lại rộn ràng đón khách.
 
Anh Lê Trung Ngươn - Tổ trưởng Tổ di tích Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cho biết: “Trừ việc mở cửa đón khách, tất cả các công việc khác đều được khu lưu niệm duy trì bình thường. Điều này giúp tất cả nhân viên không xao nhãng nhiệm vụ, nhất là nêu cao tâm thế sẵn sàng phục vụ khách tham quan khi hết dịch”.
 
Ngày 19/6, UBND tỉnh đã cho phép du lịch hoạt động trở lại (chưa cho phép tổ chức các hoạt động có người ngoài tỉnh tham gia) do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Ngay lập tức, các khu, điểm du lịch đã lên kế hoạch đón khách trở lại. Song song với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, trước mắt các cơ sở kinh doanh tập trung cho việc chuẩn bị các điều kiện, dịch vụ phục vụ khách nội địa. Đơn cử như Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu, Khách sạn Trần Vinh, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam… đã tiến hành vệ sinh khuôn viên, hệ thống phòng ốc, nhập nguyên liệu mới để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống đối với khách địa phương.
 
Đại diện Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu cho biết: “Do chưa được đón khách ngoài tỉnh nên khách sạn chỉ giữ khoảng 15 nhân viên làm việc ở các bộ phận như: bảo vệ, lễ tân, phục vụ phòng, bếp… Tuy nhiên, đơn vị sẽ tăng cường nhân viên ở vị trí khác khi có chủ trương cho phục vụ khách ở các tỉnh bạn đến Bạc Liêu”.
 
Cần liều “Vaccine” mạnh
 
Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch Bạc Liêu, khi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch phải đóng cửa, người lao động tạm thời ngừng làm việc dẫn đến kiệt quệ về tài chính lẫn tinh thần. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn phải tiêu tốn các khoản phí không hề nhỏ gồm: lãi suất ngân hàng, tiền thuê đất… Do đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành để có thể tiếp tục cầm cự hoạt động cũng như phục hồi trong thời hậu COVID-19.
 
Ông Lý Vỹ Triều Dương - Trưởng phòng Quản lý du lịch Thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu), cho biết: “Trước mắt, Sở đã phối hợp với Công ty Điện lực Bạc Liêu tổ chức rà soát, hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch làm thủ tục xét hỗ trợ giảm giá điện theo văn bản của Bộ Công thương về việc triển khai hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (đợt 3). Đặc biệt là đã tạo điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên của 10 doanh nghiệp du lịch (10 - 15 liều/doanh nghiệp), sắp tới nếu có thêm vaccine thì sẽ tiếp tục đề xuất Sở Y tế ưu tiên tiêm ngừa cho đội ngũ này”.
 
Còn theo ông Trịnh Công Vinh - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bạc Liêu, ngoài vaccine ngừa COVID-19 thì các doanh nghiệp du lịch cần những liều “vaccine” mạnh hơn. Cụ thể, ông Vinh kiến nghị UBND tỉnh xem xét có các chính sách hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất vì thời gian qua doanh nghiệp không thể kinh doanh, nhiều cơ sở lỗ nặng. Ngoài ra, chỉ đạo các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, bởi lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hiện nay vẫn còn cao. Cùng với đó là có chính sách trợ cấp cho người lao động để giữ chân, đảm bảo cuộc sống cho họ trong thời gian du lịch tạm ngừng đón khách.
 
Hữu Thọ
Báo Bạc Liêu