logo
title

Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Chương trình Phát động thị trường Trung Quốc

Cập nhật ngày: 02/11/2015
(TCDL) - Triển khai Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia năm 2015, trong thời gian từ 18/10 đến 25/10/2015, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức thành công Chương trình Phát động thị trường Trung Quốc tại ba thành phố lớn là Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thành Đô (Tứ Xuyên). Các hoạt động xúc tiến tại ba thành phố trên đã thu hút được khoảng 1.700 khách mời trong đó chủ yếu là các công ty lữ hành, các đại lý lữ hành trực tiếp tour cho khách, các cơ quan báo chí truyền thông.


Chương trình tại Bắc Kinh

Đoàn công tác của Tổng cục Du lịch do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu với sự tham dự của Vụ Lữ hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, Hải Phòng, Đài truyền hình Việt Nam VTV1, đoàn nghệ sỹ Nhà hát múa rối Thăng Long, 16 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, resort, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch từ Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang… và hãng Hàng không Phương Nam Trung Quốc (China Southern).

Chương trình Phát động thị trường Trung Quốc năm 2015 đã được tổ chức có với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, huy động sự tham gia và đóng góp xã hội hóa của nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hãng hàng không vận chuyển khách du lịch của cả Việt Nam và Trung Quốc. Trong khuôn khổ Chương trình, bên cạnh giới thiệu hình ảnh, văn hóa về điểm đến Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã tập trung quảng bá các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, hấp dẫn tại Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Các doanh nghiệp lữ hành, đại lý lữ hành của Trung Quốc đánh giá rất cao về các sản phẩm du lịch biển của Việt Nam về tính khác biệt, hấp dẫn cao đối với thị trường khách Trung Quốc đặc biệt là các thành phố ở sâu trong nội địa nơi không có biển, khí hậu khô lạnh vào mùa đông.

Sản phẩm du lịch được quảng bá trong chương trình này chủ yếu khai thác bằng đường không thông qua các chuyến bay thẳng và máy bay thuê bao chuyến (bay Charter). Các sản phẩm du lịch biển đặc biệt là ở Nha Trang đã được khai thác trên cơ sở đầu tư, hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của Việt Nam, các hãng hàng không vận chuyển khách và các đối tác gửi khách ở Trung Quốc tạo thành sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao, sẵn sàng bán phục vụ du khách Trung Quốc. Các đối tác Trung Quốc  đã giới thiệu một cách chuyên nghiệp về các sản phẩm du lịch biển của Việt Nam tới các đại lý lữ hành trực tiếp bán tour cho khách, bên cạnh đó còn tổ chức các hoạt động truyền thông với quy mô lớn thông qua việc sản xuất clip quảng bá, in ấn tờ gấp, quà tặng khách và đặc biệt khai thác các trang mạng xã hội của Trung Quốc để quảng bá cho sản phẩm du lịch biển của Việt Nam.


Chương trình tại Trùng Khánh

Trung Quốc là thị trường nguồn gửi khách đứng đầu thế giới về lượng khách và khả năng chi tiêu, nhất là cho mua sắm hàng hóa, dịch vụ cao cấp. Năm 2014, khách Trung Quốc outbound đạt gần 100 triệu lượt với mức chi tiêu đạt gần 128 tỷ USD. Thị trường khách Trung Quốc có vị trí và vai trò quan trọng đối với nhiều điểm đến trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Nhiều quốc gia rất chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá để thu hút khách Trung Quốc, khiến cho sự cạnh tranh về điểm đến để thu hút khách Trung Quốc ngày càng quyết liệt. Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch Trung Quốc, tuy nhiên lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài hàng năm, mặc dù Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (đạt gần 2 triệu lượt khách năm 2014).

Tiềm năng thị trường Trung Quốc còn rất lớn để khai thác, trong thời gian tới, ngành Du lịch Việt Nam cần tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá tại nhiều địa phương của Trung Quốc, mỗi địa phương đã là một thị trường nguồn gửi khách có số lượng lớn và có những đặc trưng riêng để khai thác; tập trung khai thác các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch bằng đường không kết hợp với đầu tư các dịch vụ mua sắm vui chơi giải trí để tăng chi tiêu của khách và chú trọng công tác quản lý điểm đến để đảm bảo chất lượng phục vụ khách.

Nguồn: Vụ Lữ hành (TCDL)

Nguồn: TCDL