logo
title

Quảng Ninh: Hàng hoá, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch của Uông Bí sẽ mang tính đặc trưng, riêng có

Cập nhật ngày: 12/12/2014
TP Uông Bí là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phát triển hàng hoá, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Theo đó, Uông Bí đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế du lịch theo định hướng xanh - mạnh - bền vững, tập trung vào các sản phẩm đặc trưng từ tiềm năng thế mạnh của địa phương.

(Đồng chí Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)

- Thưa đồng chí, nói về hàng hoá, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, hiện nay Uông Bí đang có gì?

+ Hiện Uông Bí có tương đối đủ chủng loại nhóm hàng hoá phục vụ khách du lịch, như nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm đồ uống; nhóm thảo dược; nhóm bánh kẹo; nhóm nông sản và nhóm băng đĩa xuất bản ấn phẩm. Trong đó một số sản phẩm khách du lịch ưa chuộng như tranh sơn mài; tượng phật, tranh phong cảnh... bằng chất liệu gỗ; huy hiệu Phật hoàng, Chùa Đồng, 12 con giáp, chuông gió, khánh bằng đồ đồng; quần áo, khăn... bằng vải thổ cẩm; một số sản phẩm thuộc nhóm đồ uống như: Rượu mơ Yên Tử, rượu ba kích, rượu ngâm các loại cây thảo dược. Một số hàng hoá, sản phẩm lưu niệm của Công ty CP hệ thống Lộc Tài; Xí nghiệp bia Thăng Long; cơ sở sản xuất rượu mơ Quang Vinh... đã được nhiều du khách lựa chọn, bước đầu tạo được thị trường tiêu thụ.

- Theo đồng chí, với hệ thống sản phẩm hàng hoá, sản phẩm lưu niệm như trên đã đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến Uông Bí chưa?

+ Uông Bí có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt giá trị văn hoá, lịch sử của Yên Tử, tư tưởng Thiền phái Trúc lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông là mảng chủ đề hấp dẫn để nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm hàng hoá, quà lưu niệm một cách đa dạng, phong phú để phục vụ khách du lịch; hệ sinh thái đa dạng, nguồn dược liệu phong phú; vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, đón trên 2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế hàng năm, là thị trường tiềm năng tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm lưu niệm, đây là lợi thế để khai thác tiềm năng về du lịch của địa phương (nguyên liệu, lực lượng lao động).

Để phát huy tốt các lợi thế này, trong những năm qua Uông Bí đã dành sự quan tâm để đầu tư cơ sở hạ tầng, trùng tu, tôn tạo di tích, quy hoạch phát triển vùng đệm dịch vụ du lịch Yên Tử… Tuy nhiên, về sản phẩm lưu niệm, hàng hoá phục vụ khách du lịch còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương. Hiện hệ thống sản phẩm hàng hoá, sản phẩm lưu niệm tuy đã tương đối đa dạng, nhiều chủng loại, song chủ yếu vẫn là những hàng hoá thông thường, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương hoặc chưa phù hợp với thị hiếu của khách du lịch. Cụ thể nhóm sản phẩm thủ công, mỹ nghệ thì kiểu dáng, kích cỡ cồng kềnh, khó vận chuyển, không tiện dụng, giá cả chưa hợp lý; nhóm sản phẩm đồ uống còn nghèo, mẫu mã bao bì chưa đẹp; nhóm hàng hoa, trái cây còn ít, chủ yếu theo thời vụ; nhóm sản phẩm thảo dược phong phú có nguồn gốc tại Yên Tử song chưa được nghiên cứu về chất lượng, bao bì sản phẩm còn sơ sài, thủ công... Chính bởi vậy nên hàng hoá, sản phẩm lưu niệm của Uông Bí chưa thu hút được nhiều du khách mua sắm, dẫn đến nguồn thu từ du lịch còn thấp.

Các đại biểu tham quan sản phẩm lưu niệm của Công ty CP Hệ thống Lộc Tài tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển hàng hoá, sản phẩm lưu niệm Uông Bí đầu tháng 12 vừa qua

- Vậy Uông Bí đã có những giải pháp gì để phát triển hàng hoá, sản phẩm tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà địa phương đang có?

+ Để phát triển hàng hoá, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, TP Uông Bí sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa 5 giải pháp cơ bản, đó là: Các giải pháp về tuyên truyền, xây dựng thị trường, xúc tiến quảng bá thương hiệu; giải pháp về cơ chế, chính sách; về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ; về đầu tư, xã hội hoá nguồn lực và giải pháp liên kết, hợp tác trong sản xuất và kinh doanh. Trong đó, TP Uông Bí sẽ huy động các nguồn lực, vận dụng tối đa các chính sách để hỗ trợ hợp lý doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng hoá và sản phẩm lưu niệm; tạo điều kiện theo thẩm quyền để các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hàng hoá, hàng lưu niệm phục vụ du lịch; thực hiện tốt quy định bảo hộ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất; tạo điều kiện bố trí các gian hàng trưng bày, giới thiệu hàng hoá, sản phẩm lưu niệm tại các khu du lịch, các chợ, trung tâm thương mại của thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hàng hoá; kết nối cho các doanh nghiệp tham gia các dự án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng sản phẩm… Bên cạnh đó, TP Uông Bí cũng ưu tiên triển khai ngay xây dựng chiến lược phát triển thị trường, sản phẩm ưu tiên cho từng giai đoạn; xây dựng website, ấn phẩm giới thiệu quảng bá rộng rãi về hàng hoá, sản phẩm lưu niệm cũng như tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ ẩm thực để quảng bá hàng hoá, sản phẩm lưu niệm đặc trưng của địa phương; tổ chức giới thiệu, bán sản phẩm tại các trung tâm thương mại, các tour du lịch, các lễ hội trong và ngoài tỉnh.

- Là địa phương hàng năm đón lượng lớn du khách hành hương tâm linh, Uông Bí có kế hoạch gì cho sản phẩm hàng hoá, lưu niệm mang thương hiệu “made in Yên Tử”?

+ Đúng vậy, mỗi năm Uông Bí đón hơn 2 triệu lượt du khách thì có đến 80% trong số này là khách hành hương Yên Tử. Bởi vậy, đối tượng khách du lịch đặc trưng của Uông Bí là khách hành hương tâm linh. Vì vậy, định hướng phát triển hàng hoá, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch của thành phố Uông bí phải đảm bảo 2 đặc tính: Gọn nhẹ, tiện lợi dễ lưu hành và mang tính đại chúng; thứ hai là sản phẩm phải mang đậm nét văn hoá, đặc trưng của điểm đến. Ưu tiên phát triển những sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tại địa phương, mang nét đặc trưng của Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm.

Trước mắt TP Uông Bí sẽ tăng cường phát triển các sản phẩm lưu niệm đã có chỗ đứng trên thị trường đặc trưng thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ, (hình ảnh chùa Đồng, Tháp Tổ, Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền viện Trúc lâm Yên Tử, Chùa Ba Vàng...); các sản phẩm thuộc nhóm đồ uống được cấp chứng nhận thương hiệu (rượu mơ Yên Tử; rượu ba kích Yên Tử; rượu nấm linh chi Yên Tử, nước mơ muối Yên Tử, nước giải khát linh chi Yên Tử...); nhóm hoa quả (vải chín sớm Phương Nam, thanh long ruột đỏ); nhóm thảo dược (Cao Thiên Đông Yên Tử, Long Thiên Huyết, thuốc xoa bóp trầu tiên Yên Tử...).

Để làm được điều này, ngoài các nhiệm vụ về quy hoạch, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường xã hội hoá để phát triển các nhóm sản phẩm, TP Uông Bí đang tập trung chỉ đạo tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, nhằm tăng cường nguồn nguyên liệu ngay từ địa phương, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo ra nhiều hàng hoá, sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch.

- Xin cảm ơn đồng chí!

Nguồn: Báo Quảng Ninh