logo
title

Xuân Lộc (Đồng Nai): Vườn mẫu kết hợp du lịch góp phần nâng tầm nông thôn mới

Cập nhật ngày: 18/11/2022
Huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đang triển khai nhân rộng mô hình vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch tại các xã. Mô hình này không chỉ giúp nông dân tăng nguồn thu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp mà còn hưởng lợi nhờ phục vụ và bán sản phẩm cho du khách tham quan.
 
Các em học sinh tại TP.HCM đến tham quan vườn ca cao Xuân Lộc. Ảnh: H.Lộc
 
Cách làm này cũng góp phần cải thiện đầu ra cho nông sản, nâng tầm nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
 
Làm nông kết hợp du lịch
 
Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, từ năm 2019, H.Xuân Lộc đã thí điểm xây dựng vườn mẫu và các mô hình sản xuất nông nghiệp mẫu tại xã Xuân Định. Mô hình sau đó được nhân rộng ra các xã và người dân tích cực hưởng ứng.
 
Cũng từ vườn mẫu, nhiều nông dân đã phát triển thêm dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nông dân, nhu cầu trải nghiệm du lịch vườn của du khách. Có thể kể đến các mô hình như: Vườn ca cao ở xã Suối Cát, Vườn cây ăn trái Tám Sinh ở xã Xuân Tâm, Vườn hoa bốn mùa ở xã Xuân Bắc, Vườn dâu da xã Lang Minh, Vườn hoa hướng dương ở xã Xuân Phú…
 
Giám đốc HTX Ca cao xã Suối Cát Trương Văn Mỹ chia sẻ, những năm 2010, ông bắt đầu trồng cây ca cao. Do thiếu vốn, thiếu kiến thức chăm sóc cây và trồng xen cây điều nên cây bị sâu bệnh, năng suất thấp. Ông tham gia nhiều lớp tập huấn kết hợp nghiên cứu tài liệu rồi bắt tay cải tạo vườn. Qua một người bạn, ông kết nối bán hạt ca cao cho Công ty TNHH Sô cô la Marou tại TP.HCM.
 
Trước yêu cầu khắt khe của đối tác về kích cỡ, mẫu mã, chất lượng, ông Mỹ  chuyển sang chăm sóc, thu hoạch, sơ chế theo quy trình sạch. Hiệu quả kinh tế thấy rõ, ông Mỹ vận động thêm nhiều hộ trồng ca cao, đồng thời thành lập HTX. Hạt ca cao tiêu thụ không hết, ông Mỹ hợp tác thêm với Công ty CP Bamboo Capital (TP.HCM) bán trái tươi. Năm 2020, ông Mỹ đồng thời mở dịch vụ du lịch vườn ca cao và thử nghiệm chế biến. Sau nhiều thất bại, ông Mỹ đã làm ra được 5 sản phẩm, trong đó 2 sản phẩm là sô cô la, bột ca cao được chứng nhận 3 sao OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
 
Hiện tại, vườn ca cao của ông Mỹ không chỉ là nơi sản xuất, học tập kinh nghiệm, điểm du lịch trải nghiệm thú vị mà còn là nơi bán, quảng bá các sản phẩm chế biến của HTX.
 
Một mô hình nông nghiệp - du lịch kết hợp khác là Vườn hoa bốn mùa tại xã Xuân Bắc. Anh Văn Thành Toàn, chủ vườn hoa chia sẻ, trước đây anh chỉ trồng hoa bán Tết. Về sau, nhận thấy nhu cầu của người dân, du khách có quanh năm nên anh quyết định trồng nhiều loại hoa kết hợp du lịch.
 
“Thời điểm này, các nhân công của tôi đang tích cực chăm sóc, tạo dáng và thiết kế các tiểu cảnh để phục vụ du khách dịp Tết” - anh Toàn chia sẻ và cho biết thêm, khách đến vườn đa dạng từ học sinh, sinh viên, cặp đôi chụp hình cưới cho đến các đoàn thể, Hội nông dân trong và ngoài tỉnh. Khách vào vườn ngoài trả phí để tham quan, chụp hình còn mua hoa mang về nhà.
 
Nâng tầm NTM kiểu mẫu
 
Trưởng phòng NN-PTNT H.Xuân Lộc Lê Thị Hiệp cho biết, quá trình xây dựng huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững Xuân Lộc đã hình thành được: vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình sản xuất sạch, vườn mẫu kết hợp với du lịch sinh thái… bước đầu thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp chế biến, đơn vị thu mua và cộng đồng.
 
Các khu vườn mẫu được thiết kế và trồng theo quy hoạch, có lối đi, có hàng rào bao quanh… Nông dân quan tâm nhiều hơn đến việc tưới nước và bón phân như thế nào cho hiệu quả, an toàn; quan tâm đến vệ sinh môi trường và “sức khỏe” của vườn cây. Đặc biệt, từ các mô hình vườn mẫu, nhiều hộ dân đã có cách làm sáng tạo, khai thác thế mạnh từ vườn để phát triển du lịch hay đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới để từng bước nâng cao giá trị kinh tế.
 
Tới đây, địa phương sẽ chọn một số vườn mẫu đánh giá hiệu quả đối với nông dân, ngành Nông nghiệp và xã hội, từ đó hỗ trợ đầu tư thêm hạ tầng, dịch vụ, hỗ trợ nông dân đăng ký sản phẩm OCOP để phục vụ phát triển du lịch sinh thái vườn và ổn định đầu ra. Đồng thời, các xã và ngành Nông nghiệp tăng cường giới thiệu, quảng bá giúp nông dân vừa sản xuất, vừa kinh doanh du lịch cũng như nhân rộng mô hình vườn kiểu mẫu kết hợp du lịch một cách hiệu quả.
 
Giám đốc HTX Ca cao xã Suối Cát Trương Văn Mỹ cho rằng, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đem lại lợi ích cho cả nông dân lẫn du khách. Tới đây, HTX sẽ hoàn thiện quy trình chế biến để du khách được trải nghiệm thực tế từng công đoạn, đầu tư thêm các hạ tầng thiết yếu phục vụ du khách tham quan, nghỉ ngơi tại vườn. Hiện tại, HTX cũng đang khai thác các kênh mạng xã hội để quảng bá mô hình.
 
Đồng tình với ý kiến này, chủ vườn cây ăn trái Tám Sinh cho rằng, mô hình vườn mẫu mang lại nhiều lợi ích cho gia đình, ngoài việc cảnh quan, vườn tược gọn gàng, sạch đẹp hơn thì thu nhập từ vườn cũng được nâng cao. Do vậy, ông sẽ quy hoạch lại vườn trái cây để kết hợp trồng cây và phát triển du lịch.
 
Hoàng Lộc
Báo Đồng Nai điện tử - baodongnai.com.vn