logo
title

Hà Nam: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang

Cập nhật ngày: 15/11/2022
Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Lảnh Giang luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Việc tôn tạo, tu bổ đền Lảnh Giang luôn được thực hiện nghiêm túc dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa, bảo đảm sự tồn tại và tính nguyên gốc của di tích.
Năm 2015, Liên hiệp các hội UNESCO tặng Bằng bảo trợ đền Lảnh Giang là Di tích lịch sử văn hóa và giáo dục truyền thống của Việt Nam, trong đó khẳng định trách nhiệm của Ban Quản lý di tích đền Lảnh Giang, chính quyền xã Mộc Nam về việc thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản bảo tồn, gìn giữ di tích theo đúng hiện trạng, khi có thay đổi cần bàn bạc và có ý kiến của Liên hiệp trước khi thực hiện. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là động lực để Ban quản lý di tích cũng như chính quyền, nhân dân xã Mộc Nam tích cực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của di tích đền Lảnh Giang.
 
Chính quyền xã Mộc Nam và Ban Quản lý di tích đền thường xuyên tham mưu với lãnh đạo thị xã Duy Tiên về công tác tu bổ, tôn tạo. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thị xã đề nghị các cấp, bộ, ngành quan tâm phê duyệt, cấp kinh phí, đồng thời kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm để có nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo. Nhờ đó, khu thờ tự cũng như cảnh quan đền Lảnh Giang ngày càng khang trang, sân, bãi đỗ xe được quy hoạch, mở rộng.
 
 
Nghi lễ rước nước về đền Lảnh Giang. Ảnh: Chu Uyên
 
Việc nâng tầm lễ hội đền Lảnh Giang luôn được chính quyền xã Mộc Nam cũng như thị xã Duy Tiên đặc biệt chú trọng. Năm 2009, Lễ hội đền Lảnh Giang được “nâng cấp”, tổ chức với quy mô lớn, có sự chung sức của các cơ quan chức năng trên nguyên tắc lấy cộng đồng làm tâm điểm, nghĩa là cán bộ nghiên cứu và các nghệ sĩ cũng chỉ ở vai trò hướng dẫn chứ không làm thay người dân. Việc tái hiện lễ hội đền Lảnh Giang trong một hình thức mới hơn, đầy đủ hơn, đưa vào trong lễ hội nhiều hoạt động tâm linh, văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian để lễ hội thêm phần phong phú, hấp dẫn là một cách hữu hiệu phục hồi và bảo tồn di sản văn hóa.
 
Hằng năm, với mong muốn lễ hội được tổ chức chu đáo, người dân thôn Yên Lạc và nhân dân xã Mộc Nam đã chuẩn bị từ vài tháng trước đó. Việc thực hành các nghi lễ chủ yếu do thủ nhang đền và các vị cao niên trong thôn Yên Lạc được nhân dân tín nhiệm bầu ra. Đội hình rước nước, rước kiệu là do mỗi dòng họ và đoàn thể trong các thôn tự nhận trách nhiệm và sắp xếp, phân công nhau tập luyện trước khi lễ hội diễn ra. Kinh phí tổ chức được trích từ nguồn tiền công đức của khách thập phương thu được hằng năm của đền Lảnh Giang và do cộng đồng, khách thập phương cúng tiến.
 
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đền Lảnh Giang luôn bảo đảm tính kế thừa có chọn lọc và phát huy thuần phong mỹ tục, thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chống thương mại hóa, vụ lợi. Hằng năm, chính quyền xã đều thành lập Ban Tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; xây dựng kịch bản và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích. Các trò chơi dân gian được lựa chọn kỹ lưỡng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục. Công tác tuyên truyền tại di tích và lễ hội được quan tâm, thực hiện thông qua hình thức tổ chức họp báo, treo băng zôn, khẩu hiệu, đèn chiếu sáng được bố trí hợp lý, tạo không gian đẹp, trang trọng. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, bố trí điểm trông giữ xe, phân luồng giao thông được quan tâm triển khai. Công tác vệ sinh môi trường ngày càng có nhiều chuyển biến tốt. Đặc biệt, hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói, xóc thẻ, ăn cắp, cờ bạc, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, hiện tượng ăn mày, ăn xin làm phiền du khách không diễn ra tại đền.
 
Để có được kết quả đó, Mộc Nam luôn tích cực tuyên truyền để mọi người dân cũng như du khách có trách nhiệm chung tay xây dựng nếp sống văn minh và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội; nhân dân địa phương thể hiện tinh thần nhiệt tình, thân thiện nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách; nghiêm khắc phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm quy định về tổ chức lễ hội hoặc có hành vi phản cảm, làm ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội.
 
Bên cạnh đó, Mộc Nam còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh giá trị của Di tích lịch sử văn hoá đền Lảnh Giang, nổi bật nhất là việc phối hợp với cơ quan báo chí trung ương và địa phương sản xuất phóng sự, viết tin, bài giới thiệu về đền; xuất bản cuốn sách “Đền Lảnh Giang - Điểm du lịch văn hóa tâm linh”; phát hành tờ rơi, tập gấp quảng bá di tích; tổ chức tập huấn, trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ kế cận; phối hợp với các cơ quan chuyên môn sưu tầm, bảo quản tài liệu, hiện vật tại đền; tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ di tích, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng; tạo điều kiện cho các nhà khảo cổ về điều tra, khảo sát nhằm phát hiện, nghiên cứu để tìm hiểu, góp phần bồi đắp thêm truyền thống lịch sử - văn hóa Duy Tiên, lịch sử - văn hóa Hà Nam trong từng thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của đất nước.
 
Đền Lảnh Giang không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, phục vụ du lịch, mà còn là "địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính quyền xã Mộc Nam đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thị xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tại di tích cho học sinh về truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương và giá trị các di sản văn hóa, từ đó tham gia vào bảo vệ, phát huy giá trị các di sản. Qua đó, không chỉ khơi dậy niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích lịch sử văn hóa đền Lảnh Giang.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Trinh, Chủ tịch UBND xã Mộc Nam cho biết: Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử văn hóa đền Lảnh Giang; phát huy giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá của người dân. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo đền Lảnh Giang, phát huy vai trò chủ thể và năng lực sáng tạo giá trị văn hóa của nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa đền Lảnh Giang nhằm tạo sức lan toả, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về ý thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ Di tích lịch sử văn hóa đền Lảnh Giang. Vận động doanh nghiệp, công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết nối đền Lảnh Giang với các điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận, như: Đền Trần Thương, chùa Tam Chúc (Hà Nam), đền Trần (Nam Định), Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình), chùa Hương (Hà Nội)… Bên cạnh đó, du khách trong và ngoài nước về tham quan, chiêm bái đền Lảnh Giang có thể kết hợp trải nghiệm làng nghề dệt lụa Nha Xá, trống Đọi Tam - 2 làng nghề truyền thống lâu đời trên địa bàn thị xã Duy Tiên, được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân dân gian, được hiểu thêm về sự tích của các làng nghề, và có thể trực tiếp tham gia vào những công đoạn làm ra sản phẩm.
 
Với những nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân xã Mộc Nam trong việc gìn giữ di sản văn hóa cha ông để lại, đền Lảnh Giang chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy giá trị lịch sử, là điểm đến du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng hấp dẫn trong tương lai.
 
 Hoàng Oanh
Báo Hà Nam điện tử - baohanam.com.vn