logo
title

Tuyên Quang: Phát triển nghề truyền thống, làng nghề gắn với du lịch

Cập nhật ngày: 24/08/2022
Phát triển nghề truyền thống, làng nghề không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà trong giai đoạn này nghề truyền thống, làng nghề còn góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Việc gắn kết này mang lại nhiều lợi ích cho quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân.
Phát huy giá trị sản phẩm
 
Hiện nay, xu hướng du lịch xanh đang nhận được sự quan tâm tích cực từ du khách cũng như các công ty lữ hành. Tại tỉnh Tuyên Quang mô hình du lịch nông nghiệp đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tận dụng được giá trị kinh tế trực tiếp từ ruộng, vườn, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ song song với khai thác dịch vụ phục vụ khách du lịch cả trong và ngoài nước. 
 
Huyện Sơn Dương đã được du khách thập phương biết đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Với thế mạnh về du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái, những năm gần đây, xã Tân Trào hướng đến đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch trải nghiệm tại làng nghề. Hiện trên địa bàn có 1 làng nghề chè tại thôn Vĩnh Tân. Thôn có những điều kiện, tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh. Thôn Vĩnh Tân nằm ở vị trí thuận lợi dễ kết nối với các điểm đến và tour tuyến trong tỉnh, nơi đây có những đồi chè rất đẹp mắt. 
 
Ông Phạm Ngọc Thảnh, Trưởng thôn Vĩnh Tân cho biết, thôn có 110 hộ thì có đến 105 hộ trồng và sản xuất chè. Chè được người dân trồng từ năm 1966. Thời gian qua, ngoài sản xuất chè người dân trong thôn phát triển du lịch trải nghiệm. Người dân luôn ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường sạch sẽ, các đồi chè được cắt tỉa tạo hình bắt mắt, chè được chăm sóc theo quy trình sạch. Đến với làng nghề ngoài tham quan những đồi chè, du khách còn được trải nghiệm hái và chế biến chè tại chỗ và được sử dụng chính những sản phẩm do mình chế biến. Ngoài ra, để phát triển thêm các sản phẩm phục vụ du lịch trong làng nghề, thôn đã hình thành 2 HTX sản xuất chè phục vụ khách du lịch.
 
Huyện Lâm Bình ngoài vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa, trang phục truyền thống của 13 dân tộc anh em. Để phát triển các sản phẩm du lịch, huyện quan tâm phục dựng và phát triển nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm. Đây là một nghề thủ công có từ rất lâu, không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà hiện nay sản phẩm dệt thổ cẩm của huyện đã được du khách đón nhận tích cực. Sản phẩm thổ cẩm của huyện đang được các công ty thiết kế thời trang liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện tất cả 10 xã, thị trấn của huyện  đều có tổ hợp tác, HTX dệt thổ cẩm.
 
 
Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ xã Thổ Bình (Lâm Bình)
 
Chị Hỏa Thị Nguyệt, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can cho biết, nghề dệt được gia đình lưu truyền từ nhiều đời nay, những năm trước, gia đình chỉ dệt các sản phẩm như chăn, váy, áo để mặc nhưng giờ nhu cầu về những sản phẩm thổ cẩm phục vụ khách du lịch ngày càng cao. Do vậy, các hộ còn giữ nghề dệt đã tập hợp thành lập HTX thổ cẩm Lâm Bình. Hiện HTX được các cơ sở lưu trú, homestay, cửa hàng đặt hàng sản phẩm thổ cẩm, trong đó chủ yếu là các sản phẩm khăn, vỏ gối, vỏ chăn thổ cẩm... Tùy từng sản phẩm người làm nghề dệt thu lãi từ 200 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/sản phẩm. Bình quân mỗi tháng, chị Nguyệt có thể làm ra 15 - 20 sản phẩm, từ đó gia đình có thêm thu nhập.
 
Trong chuyến công tác của đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Lâm Bình đầu năm, đồng chí cho rằng, việc gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, cụ thể là nghề dệt thổ cẩm làm sản phẩm du lịch của huyện Lâm Bình đang đi rất đúng hướng, phù hợp với thị hiếu khách du lịch. Các sản phẩm thổ cẩm vừa sử dụng để trưng bày vừa làm quà lưu niệm, quà biếu không thể thiếu đối với du khách khi đến với Lâm Bình. 
 
Tại buổi lễ công bố xã Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mỗi xã phải biết phát huy, nâng tầm các sản phẩm sẵn có, thế mạnh của địa phương, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gắn với những địa danh, huyền tích nổi tiếng để biến nó trở thành sản phẩm đặc trưng của mình. Trên cơ sở đó khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong nền kinh tế thị trường. Đồng thời phát triển kinh tế nông thôn có tính liên kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
 
Cần phát triển tương xứng 
 
Hiện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó tất cả là làng nghề chè của huyện Sơn Dương. Với nhiều giải pháp, du lịch của tỉnh ngày càng phát triển, nhờ đó nghề truyền thống, làng nghề như dệt thổ cẩm, sản xuất chè, làm bánh gai, thủ công mỹ nghệ... đang có cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề trong hoạt động du lịch chưa thật sự đạt hiệu quả cao. Nguồn nhân lực thiếu hụt, thương hiệu chưa đủ mạnh, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. 
 
Để phát triển các làng nghề theo hướng bền vững gắn du lịch cần có đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, hỗ trợ các nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghề. Các địa phương đang hướng tới xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nghề truyền thống, thiết kế thành các mặt hàng lưu niệm mang dấu ấn nhưng thuận tiện hơn cho du khách trong quá trình vận chuyển. Liên kết phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến đến các làng nghề, điểm sản xuất nghề truyền thống chưa có hoặc còn ít khách du lịch đến tham quan. 
 
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch khẳng định, nếu phát huy được hiệu quả của các làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch thì lợi ích mang lại là rất lớn về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời trực tiếp góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.  
 
Bài, ảnh: Cao Huy
Báo Tuyên Quang Online - baotuyenquang.com.vn