logo
title

Phú Yên: Bãi đá Sông Hồng và sự thành công của du lịch nội địa

Cập nhật ngày: 11/01/2021
Trong bối cảnh ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, khách du lịch quốc tế thưa vắng, thì nhiều địa phương vẫn khá thành công khi hướng vào dòng khách du lịch nội địa, khách địa phương. Câu chuyện thành công từ Bãi đá Sông Hồng, Hà Nội là một ví dụ.
 
Bãi Đá Sông Hồng là nơi các thiếu nữ thích chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Thùy Duyên
 
Cách đây mấy năm, tôi đến Bãi đá Sông Hồng (Hà Nội) là để chọn bối cảnh quay một trường đoạn trong chương trình Tết có liên quan đến một huyền sử. Đó là chuyện vua Quang Trung đã chọn cành bích đào được trồng từ vùng ven sông Hồng này để báo tin chiến thắng từ Thăng Long vào Phú Xuân cho Ngọc Hân công chúa sau khi ông đại phá quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.
 
Nay, trở lại Bãi đá Sông Hồng để xem hiệu quả mà ngành Du lịch Hà Nội khai thác khách nội địa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tất nhiên là vào dịp Tết Dương lịch, cuối tuần nên khách khá đông. Nhưng cứ nhìn vào lượng người, lượng xe máy, ô tô nối nhau đến kẹt đường thì chắc chắn một điều, Bãi đá Sông Hồng vẫn còn hấp dẫn nhiều người, vẫn chủ yếu là khách du lịch nội địa, rất ít khách Tây.
 
Nằm ở cuối ngõ 264 Âu Cơ, cách trung tâm TP Hà Nội chưa đến 30 phút đi ô tô, Bãi đá Sông Hồng khá bình yên, trong lành, khác hẳn với sự ồn ào, tấp nập của phố phường Hà Nội.
 
Diện tích khu Bãi đá Sông Hồng khá lớn, hai bên đường vào là những vườn đào đang chuẩn bị phục vụ Tết. Trên “chất liệu” chủ đạo là những vườn đào, vườn hoa truyền thống, các “nhà đầu tư” đã quy hoạch thêm những vườn hoa mới, sắp đặt thêm những tiểu cảnh mang nét đặc trưng vùng miền. Cũng chính vì ý tưởng ban đầu là phục vụ cho du khách có những bức ảnh đẹp, nên thêm nhiều dịch vụ phát sinh và dần hoàn thiện, khép kín. Từ trang điểm, thuê trang phục các sắc tộc trong và ngoài nước, chụp hình lấy liền sau 1 phút, đến ăn uống, giải khát, dịp Tết còn có cả một sân khấu ca nhạc hàng đêm…
 
Không chỉ là nơi hẹn hò của nhiều đôi trai gái, học sinh, sinh viên, nhiều người lớn tuổi, nhiều đoàn khách các địa phương khác đến Hà Nội cũng tìm đến đây. Giữa mùa đông Hà Nội, trong tiết trời lạnh giá, được dạo quanh Bãi đá Sông Hồng, được thưởng lãm hương sắc của muôn vàn cỏ hoa bên sông Hồng thì không còn gì bằng sau những ngày làm việc, lao động vất vả.
 
Ngay ở lối vào, du khách sẽ ấn tượng với khung cảnh thơ mộng như một khu vườn được thiết kế theo phong cách châu Âu. Thời điểm này, nổi bật lên vẫn còn những không gian trắng muốt của cúc họa mi, loài hoa đặc trưng cho tiết trời đông Hà Nội.
 
Rồi những vườn thạch thảo tím, những luống lavender, những vuông đất đã ngập tràn sắc vàng của hoa hướng dương, rồi hàng thông thẳng tắp, chiếc cầu Tình Yêu, những góc Tây Bắc với guồng nước, vườn tam giác mạch, góc phố cổ với đèn lồng của không gian Tết Hà Nội… Tất cả đều là những bối cảnh, những góc đẹp cho du khách “check in”, dân làm nghề chụp ảnh, quay phim…
 
Vé vào cổng thời điểm này là 50.000 đồng/người, 30.000 đồng/xe ô tô 5 chỗ ngồi. Chỉ cần nhìn lượng người, lượng xe mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết cũng đánh giá được phần nào mức độ thành công của Bãi đá Sông Hồng.
 
Không truyền thuyết, huyền thoại, không danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử các cấp, chỉ cần một ý tưởng, một cách làm, Bãi đá Sông Hồng đã thành công, ít nhất là đến thời điểm này.
 
Chợt nghĩ, Phú Yên vẫn có những bờ bãi ven sông, ven biển khá lý tưởng cho mô hình này. Điều quan trọng là dịch vụ này đầu tư không quá tốn kém, phục vụ chủ yếu cho khách nội địa mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết, không quá phụ thuộc vào dòng khách nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
 
Trần Thanh Hưng
Báo Phú Yên